Trong thời đại hiện nay, đối với người tìm việc làm và cả nhà tuyển dụng thì mẫu đơn CV xin việc đã không còn xa lạ. Trong khi người xin việc là bạn đang mong muốn qua CV có thể thể hiện tất cả kĩ năng, kinh nghiệm của mình với cách trình bày rực rỡ đầy cá tính, thì đôi khi, nhà tuyển dụng đã sớm loại bộ hồ sơ của bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vì muốn thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng, có thể bạn đã quá sáng tạo cách trình bày, khiến mẫu đơn CV xin việc trông không theo bố cục, sử dụng nhiều kiểu chữ và màu sắc rối mắt, cùng với liệt kê quá nhiều thông tin làm CV dài tới tận 4-5 trang. Hiển nhiên là tất cả ứng viên đều muốn tìm việc làm thành công với một CV thật hoàn hảo, vì vậy bạn cần phải chú ý 7 lời khuyên sau khi viết CV.
- Mục tiêu nghề nghiệp
Trong hầu hết mẫu hướng dẫn viết CV luôn có mục này xuất hiện ngay đầu đơn cùng với những lời trình bày cách viết. Hướng dẫn phổ biến nhất là bạn hãy viết mục tiêu được làm việc trong môi trường năng động, được áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình. Lời khuyên này đã từng rất thành công trong giai đoạn hơn 6 năm về trước. Nhưng do hầu hết tất cả ứng viên đều vận dụng thao tác sao chép đi dán lại những câu chữ trên, nhà tuyển dụng đã quá nản với những dòng sáo rỗng này trong các mẫu đơn CV xin việc, và thường là của các bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Nếu bạn không muốn CV của mình cũng sớm bị loại với cùng lí do, hãy dành thời gian suy nghĩ nội dung trong mục này, hãy trình bày rõ vì sao bạn muốn ứng tuyển vị trí công việc đó, vì sao bạn muốn làm trong công ty này.
- Độ dài CV
Trong mẫu đơn CV xin việc, nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng lại cố gắng diễn giải đến tận 3-4 trang giấy thì cũng đồng nghĩa CV của bạn đã bị loại. Bạn hãy liệt kê ra nháp tất cả kĩ năng, kinh nghiệm của mình, rồi đối chiếu lại với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, và chỉ viết vào CV những nội dung liên quan. Hãy nhớ rằng, một CV ngắn 1 trang giấy với những thông tin thích hợp sẽ chứng minh bạn là ứng viên tiềm năng giữa đám đông chỉ nộp những bộ CV dài nhiều trang đầy những thông tin không liên quan. Vì vậy, dành thời gian viết một CV phù hợp nhu cầu tìm kiếm của nhà tuyển dụng mới là phương pháp giúp bạn thành công.
- Kiểu chữ
Có thể bạn giỏi công nghệ thông tin, có thể bạn muốn thu hút nhà tuyển dụng, có thể bạn muốn thể hiện mình là một người có óc sáng tạo, con mắt nghệ thuật, và bạn đã trình bày CV với nhiều kiểu chữ đa dạng, đẹp mắt. Nhưng trong mắt nhà tuyển dụng, CV của bạn đang làm họ rối mắt và họ không muốn đọc nữa. Vì nhà tuyển dụng sẽ không dành nhiều thời gian cho từng CV, nên hãy sử dụng kiểu chữ dễ đọc, trình bày dễ nhìn sẽ để những thông tin quan trọng giúp ghi điểm cho bạn ngay lập tức đập vào mắt nhà tuyển dụng tiềm năng. Hãy dùng 1, hoặc nhiều nhất là 2 kiểu chữ, cùng cách trình bày rõ ràng trong CV của bạn. Và hãy nhờ một người bạn hoặc gia đình xem thử và đưa đánh giá khách quan nhất.
- Kinh nghiệm làm việc
Như đã trình bày ở trên, bạn hãy chỉ viết vào CV những nội dung liên quan yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có một số lưu ý khác. Sau khi liệt kê tên công ty, chức vụ, thời gian làm việc, bạn hãy trình bày cụ thể nhiệm vụ mà bạn đã đảm nhận và những đóng góp của bạn cho doanh nghiệp đó. Hãy nhớ rằng, mục này chính là nơi để bạn thuyết phục nhà tuyển dụng chọn bạn vào vòng phỏng vấn.
- Các kĩ năng
Thay vì liệt kê thật nhiều kĩ năng mà bạn có thể tra cứu được trên mạng, hãy chỉ trình bày những kĩ năng bạn có phù hợp nhu cầu tìm kiếm của nhà tuyển dụng. Kèm theo đó là dẫn chứng bạn đã tích lũy kĩ năng đó từ hoạt động, công việc gì, và bạn đã vận dụng kĩ năng này để đạt được những thành quả nào. Một phần trình bày ngắn gọn với dù ít kĩ năng nhưng sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung rõ nét về bạn và năng lực của bạn.
- Ảnh cá nhân
Đừng dùng ảnh thẻ 3×4 khuôn phép, nhàm chán hay những ảnh phá cách bạn chụp cùng hội bạn tạo cảm giác không nghiêm chỉnh. Hãy tìm ảnh nào chụp rõ mặt bạn trong trạng thái tươi tắn và thể hiện nghiêm túc con người bạn. Nếu không có ảnh như vậy thì lựa chọn tốt nhất là không để ảnh trong CV. Vì ảnh cá nhân cần phải giúp nâng điểm cho bạn chứ không phải tìm kiếm điểm trừ.
- Sở thích
Đừng chỉ liệt kê vô vàn sở thích chung chung, mà hãy trình bày dù ít nhưng thật cụ thể để các sở thích này thể hiện rõ nét cá tính của bạn. Ví dụ như, thay vì đọc sách, hãy viết là đọc sách hướng nghiệp; thay vì du lịch, hãy viết là du lịch mạo hiểm;…
Không hề có một cách trình bày chuẩn cho mọi CV, vì mỗi CV cần được đầu tư viết để ứng tuyển cho từng vị trí công việc cụ thể, nhưng vẫn có những qui định chung mà bạn nhất định phải tuân thủ để đảm bảo mình được chọn vào vòng phỏng vấn.